QUY TRÌNH BẢO DƯỠNG XE Ô TÔ ?

Cập nhật: 05/05/2021

Lượt xem: 2116

Bảo dưỡng ô tô như thế nào là hợp lý ? Bao lâu thì cần đi bảo dưỡng định kỳ xe ô tô ? Nơi nào bảo dưỡng xe chất lượng, uy tín và giá cả phải chăng nhất ? Chúng tôi sẽ giải đáp chi tiết trong bài viết dưới đây, mời mọi người cùng theo dõi.


 

Quy trình bảo dưỡng xe ô tô?

 

Để có thể sử dụng xe ô tô lâu dài và luôn hoạt động ổn định, vận hành êm ái, hầu hết các chủ xe đều phải thực hiện công việc đem xe đi bảo dưỡng định kỳ theo tháng, năm hoặc theo hạn mức số km quy định. 

Tùy theo mỗi hàng xe sẽ có quy định bảo dưỡng xe ô tô định kỳ khác nhau, chủ xe nên theo dõi qua sách hướng dẫn sử dụng để biết được khi nào cần đem xe đi “làm mới” trở lại.

Thông thường, quy trình bảo dưỡng xe ô tô định kỳ sẽ thực hiện theo các bước sau:

 

Thay nhớt và kiểm tra lọc nhớt

 

Quy trình thay nhớt và kiểm tra lọc nhớt được thực hiện khá đơn giản. Các thợ sửa xe tại trung tâm bảo dưỡng sẽ nâng xe lên và tháo tất cả các ốc xả nhớt để xả nhớt vô thùng, tiếp đến là tháo bộ phận lọc và kiểm tra độ dơ của lọc nhớt.

Sau khi đã kiểm tra bộ phận lọc nhớt và vệ sinh kỹ lưỡng hoặc thay lọc nhớt (nếu cần), thợ sửa xe sẽ siết ốc lại và châm nhớt vào xe ô tô theo từng chủng loại khác nhau, tùy vào yêu cầu của hãng xe.

 

Kiểm tra và vệ sinh lọc gió động cơ

 

Bộ phận lọc gió động cơ có công dụng giúp điều hòa và lọc không khí trước khi hòa trộn với nhiên liệu đi vào buồng đốt. Nếu lọc gió bị hư hỏng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình hoạt động của hệ thống động cơ của xe ô tô. Vì thế, theo định kỳ, các trung tâm bảo dưỡng sẽ kiểm tra tổng thể bộ phận này của xe. Nhân viên tại xưởng sẽ vệ sinh sạch lọc gió hoặc thay mới (nếu cần).

Theo các chuyên gia trong ngành, các chủ xe nên thay lọc gió động cơ sau khi đã đi được khoảng 50.000 km. Tuy nhiên, tùy theo điều kiện khí hậu, môi trường vận hành mà chủ xe có thể xem xét bảo dưỡng phù hợp bộ phận này của xe.

 

Kiểm tra lọc gió máy lạnh

 

Bộ phận lọc gió máy lạnh có nhiệm vụ giữ lại các chất bẩn trong không khí bên ngoài trước khi đi qua dàn lạnh và thổi gió mát vào không gian xe. Theo thời gian, bộ phận lọc gió sẽ là nơi ứ đọng nhiều bụi bẩn và cần vệ sinh sạch sẽ để hạn chế hư hỏng dàn lạnh và đảm bảo nguồn không khí lọc qua máy lạnh sạch và an toàn cho hành khách trên xe ô tô.

 

Kiểm tra thắng

 

 

Thắng xe ô tô là bộ phận vô cùng quan trọng, đảm bảo an toàn cho tài xế và hành khách khi di chuyển trên đường. Theo thời gian, thắng xe sẽ bị mòn và chai cứng, mất tác dụng phanh. Vì thế, chủ xe nên thường xuyên kiểm tra thắng xe để không gặp phải rủi ro đáng tiếc khi vận hành xe ô tô.

Tại các trung tâm bảo dưỡng, thợ sửa xe sẽ tiến hành tháo bánh xe, sau đó tháo thắng xe để kiểm tra bố, kiểm tra heo dầu. Cuối cùng là vệ sinh bố nếu bị dơ, tra mỡ ắc thắng rồi ráp lại như ban đầu. Nếu bố xe bị mòn và cần thay mới, các chủ xe nên chọn những loại bố đúng với loại xe mình đang sử dụng để đảm bảo đúng tiêu chuẩn, kỹ thuật.  

 

Bảo dưỡng định kỳ xe ô tô theo km thế nào?

 

Mỗi hãng sản xuất xe sẽ có yêu cầu bảo dưỡng định kỳ xe ô tô theo thời gian hoặc số km khác nhau, các chủ xe cần tham khảo thêm từ sách hướng dẫn sử dụng để đảm bảo việc đi bảo dưỡng xe hợp lý và đúng thời điểm. 

Dưới đây là một số thời gian và các phụ tùng xe ô tô cần được bảo dưỡng theo số km đã đi thông dụng như:

 

Sau 5000 km hay sau 6 tháng đầu tiên

 

 

Bảo dưỡng xe ô tô lần đầu sau 5000 km đầu tiên, các chủ xe nên đưa xe đi bảo dưỡng để kiểm tra các chi tiết như dầu máy, lọc gió động cơ, lọc gió điều hòa, mực dầu thắng, dầu hộp số, nước làm mát, nước rửa kính… để vệ sinh hoặc thay thế mới nếu cần thiết.

Thông thường, các chủ xe nên thay dầu máy vì sau 5000 km xe vận hành, dầu máy đã có thể lẫn những vụn kim loại, điều này sẽ gây hại đến xe khi di chuyển cũng như giảm tuổi thọ máy dầu của xe. 

Sau 15.000 km hay sau 18 tháng

Trong lần bảo dưỡng xe thứ 2 này, các chuyên gia khuyên chủ xe nên thay luôn lọc dầu và đảo lốp nếu cần thiết. Sau đó cứ mỗi 10.000 đảo lốp 1 lần.

Sau 30.000 km hay sau 36 tháng

Sau 30.000 km, chủ xe cần thay lọc gió động cơ và máy điều hòa, bởi vì với số km này, chúng đã bị đóng bẩn và nghẹt khá nặng. Lọc gió động cơ sẽ ảnh hưởng đến khả năng vận hành của buồng đốt và lọc giá máy điều hòa ảnh hưởng đến sức khỏe của tài xế và hành khách khi ngồi trên xe.

Sau 40.000 km hay sau 48 tháng

Sau 40.000 km, các chủ xe nên nhờ thợ sửa xe tại các trung tâm bảo dưỡng kiểm tra và thay bộ phận lọc nhiên liệu, dầu hộp số, dầu vi sai, dầu trợ lực, dầu phanh, dầu ly hợp và dung dịch làm mát cho xe. Trong đó,

Việc thay dầu vi sai rất quan trọng, cần được thực hiện định kỳ để đảm bảo hộp số, bộ vi sai được bôi trơn, hoạt động êm ái và giúp hệ thống truyền động của xe luôn vận hành được tốt nhất.

Dầu phanh và dầu ly hợp theo thời gian dài sẽ bị lẫn hơi ẩm, gây mòn và ảnh hưởng đến khả năng làm việc của hệ thống phanh và ly hợp xe ô tô.

Hiện tượng chai, nứt rất thường gặp ở dây curoa sau khi xe ô tô vận hành được khoảng 40.000 km, điều này sẽ giảm khả năng ma sát, ảnh hưởng đến hiệu suất truyền động của động cơ.

Sau 100.000 km

 

 

Sau 100.000 km là thời gian xem xét việc thay thế bộ phận bugi, má phanh, nước làm mát xe… Trong đó, nước làm mát xe theo thời gian dài sẽ bị biến dạng, có nhiều chất đóng cặn gây ảnh hưởng đến hệ thống động cơ của xe ô tô, vì thế cần thay mới hoàn toàn.

Ngoài ra, kể cả xe ô tô mới hay xe ô tô cũ đều cần kiểm tra định kỳ các bộ phận như đèn cảnh báo táp lô, lốp xe, ắc quy, hệ thống phanh, hệ thống lái, hệ thống treo, hệ thống chiếu sáng…

Đây là cách bảo dưỡng xe ô tô mới và cả xe ô tô cũ mà khách hàng cần tham khảo.

 

Bảo dưỡng xe ô tô hết bao nhiêu tiền? 

 

Hiện nay không có một bảng giá chính thức nào quy định chung cho các đơn vị bảo dưỡng xe ô tô trên thị trường trong nước. Vậy bảo dưỡng xe ô tô hết bao nhiêu tiền? Có phát sinh chi phí khác không? Hãy cùng tìm hiểu bảng giá bảo dưỡng xe sau đây:

 

Chi phí bảo dưỡng xe ô tô lần đầu sẽ dao động từ 150.000 đồng trở lên. Tùy theo hãng xe, mẫu xe, các phụ kiện cần thay thế có nguồn gốc, chất lượng tốt hay trung bình. Sau khi được sự thỏa thuận giữa trung tâm và khách hàng, các thợ bảo dưỡng xe sẽ tiến hành vệ sinh, thay thế tương ứng. Chẳng hạn như xe SUV, MPV kích cỡ 7 chỗ ngồi sẽ khác với phụ tùng dành cho xe 4 chỗ ngồi hoặc 5 chỗ ngồi thuộc phân khúc Sedan, Hatchback, hoặc xe sử dụng hộp số tự động sẽ khác xe số sàn…

 

Bảo dưỡng xe ô tô ở đâu tốt nhất

 

 

Trên thực tế, hãng xe hay gara bảo dưỡng xe đều có những ưu điểm và nhược điểm đi kèm. Tùy theo mục đích sử dụng và độ tin cậy của chủ xe dành cho nơi nào nhất thì sẽ mang xe đến đó để bảo dưỡng định kỳ cho xe.

 

Bảo dưỡng xe ô tô lần đầu xe ở hãng, các nhân viên lành nghề sẽ vệ sinh và thực hiện thay thế phụ tùng xe có nguồn gốc rõ ràng, chính hãng, xe sẽ tái sử dụng trơn tru và vận hành êm ái. Đặc biệt, vì xe chính hãng, các thợ sửa xe đoán bệnh rất nhanh, sửa chữa hợp lý. Tuy nhiên, hãng lại có nhược điểm là số lượng xe đến bảo dưỡng nhiều, chủ xe phải chờ đợi lâu và chi phí sửa chữa khác đắt hơn bên ngoài.

 

Nếu chủ xe chọn bảo dưỡng xe ô tô tại các gara bên ngoài thì sẽ nhận được giá trị ngược lại với hãng. Chẳng hạn như giá sửa chữa rẻ, linh hoạt chọn lựa xưởng ở gần nơi mình sinh sống chứ không như hãng chỉ tập trung khu trung tâm. Nếu gặp thợ giỏi thì xe nào cũng sửa được, thợ không giỏi hoặc không hiểu biết nhiều về các dòng xe ô tô trên thị trường, sẽ chẩn đoán và trị bệnh cho xe không đúng. 

 

Nhìn chung, vẫn tùy thuộc vào mong muốn của chủ xe sẽ có chọn lựa nơi bảo dưỡng xe uy tín và phù hợp. Hi vọng, qua bài viết trên, chắc hẳn bạn đã hiểu rõ hơn quy trình bảo dưỡng xe ô tô và tìm cho mình nơi bảo dưỡng xe ô tô ở đâu tốt nhất. Đảm bảo độ an toàn cho bạn trong quá trình di chuyển.